GD&TĐ - Ông Phan Xuân Quyết – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên - cho biết: Thời gian vừa qua, ngành Giáo dục tỉnh Hưng Yên đã có hàng loạt động thái tích cực, quyết tâm không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trong trường học. Hiện trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus Corona, học sinh vẫn sẽ đến trường bình thường.
Theo ông Phan Xuân Quyết, Sở GD&ĐT đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp ngành phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona ngành Giáo dục; đồng thời, gửi văn bản yêu cầu các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona, các bệnh dịch mùa đông xuân và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.
“Trong kế hoạch triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona ngành Giáo dục, mục tiêu đặt ra là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên về tác hại của bệnh dịch và công tác phòng, chống bệnh dịch trong môi trường giáo dục. Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch trong trường học. Đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, vệ sinh phòng bệnh kịp thời, đúng quy định. Đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong các cơ sở giáo dục” – ông Phan Xuân Quyết chia sẻ.
Để phòng chống dịch bệnh do virus Corona, các biện pháp được ngành Giáo dục Hưng Yên thực hiện là đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh đối với công tác phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan y tế trong công tác vệ sinh trường học; theo dõi, quản lý sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên. Tổ chức thực hiện các biện pháp dự phòng, phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh công tác phối hợp gia đình và chính quyền địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe học sinh.
Nói rõ thêm về các biện pháp dự phòng, phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, ông Phân Xuân Quyết nhấn mạnh việc các cấp quản lý, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mức độ nguy hiểm của bệnh dịch. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các tình huống dịch bệnh tại đơn vị do nguyên nhân chủ quan, thiếu trách nhiệm.
Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trong từng cấp quản lý, trong các cơ sở giáo dục. Xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, các thành viên trong cơ quan, cơ sở giáo dục trong công tác phòng, chống bệnh dịch. Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, phân công cán bộ, nhân viên thường xuyên trực tại cơ sở giáo dục nhằm kịp thời ứng phó với tình hình diễn tiến của bệnh dịch.
Thực hiện thường xuyên các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh khử khuẩn trong khuôn viên trường học, lớp học, đảm bảo môi trường lớp học sạch sẽ, khô thoáng. Vệ sinh sạch sẽ bề mặt, đồ chơi, đồ dùng dạy học thường ngày bằng xà phòng, chất tẩy rửa phù hợp, an toàn. Cung cấp đầy đủ nước uống sạch cho học sinh; tùy theo điều kiện của đơn vị có thể cung cấp nước ấm theo khuyến nghị của cơ quan y tế cho học sinh sử dụng.
Đẩy mạnh giáo dục các kiến thức về dinh dưỡng hợp lý và vận động thể lực phù hợp nhằm tăng cường thể trạng, nâng cao sức đề kháng và khả năng phòng, chống bệnh dịch cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục.
Thường xuyên phổ biến, giáo dục, hướng dẫn, nhắc nhở cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên một số kỹ năng phòng, chống dịch bệnh như: hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, hạn chế đi đến những nơi đông người, các lễ hội, vùng có bệnh dịch; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; đeo khẩu trang y tế đúng cách, phù hợp với khuyến nghị của cơ quan y tế; thực hiện che miệng, mũi và sử dụng các vật dụng che phù hợp khi ho hoặc khi hắt hơi nhằm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; giáo dục học sinh làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.
“Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh việc bổ sung vật tư, hóa chất, thuốc men và các trang thiết bị y tế phù hợp tại các cơ sở giáo dục theo quy định tại Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT để kịp thời xử trí ban đầu đối với những trường hợp bất thường xảy ra trong cơ sở giáo dục.
Không tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, hạn chế tổ chức các hoạt tập thể đông người. Đối với hoạt động phối hợp giáo dục với các đơn vị ngoài nhà trường có sử dụng nhân sự ngoài nhà trường, các đơn vị giáo dục cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối với những nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại cơ sở giáo dục trong quá trình tổ chức các hoạt động phối hợp giáo dục, đảm bảo không xảy ra tình trạng bệnh dịch do tổ chức các hoạt động phối hợp giáo dục” – ông Phan Xuân Quyết cho hay.
Theo: Giáo dục thời đại