Chùa Nôm nằm trong quần thể di tích làng Nôm, tên tự là Linh Thông cổ tự (thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Đây là ngôi chùa cổ kính, cùng với cầu đá và làng Nôm tạo nên một không gian yên bình, trầm mặc, mang đậm nét làng quê Bắc Bộ.
Chùa Nôm nằm trong quần thể di tích làng Nôm, tên tự là Linh Thông cổ tự (thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Đây là ngôi chùa cổ kính, cùng với cầu đá và làng Nôm tạo nên một không gian yên bình, trầm mặc, mang đậm nét làng quê Bắc Bộ.
Chùa Nôm được xây dựng từ năm nào không ai rõ, duy có hai tấm bia lớn đặt sau hậu cung ghi lại những tư liệu quý: Thời Hậu Lê, đời Chính Hòa, năm Canh Thân (1680) sau khi lên ngôi, nhà vua đã cho xây dựng lại chùa này. Trải qua bao biến cố, chùa được trùng tu nhiều lần và trở thành ngôi chùa khang trang như ngày nay.
Cổng tam quan của chùa Nôm được xây dựng cạnh những cây cổ thụ, thể hiện cho ba pháp ấn - 3 chân lý của nhà Phật đó là vô thường, vô ngã và khổ.
Theo truyền thuyết, chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ. Có lẽ vậy mà chùa còn có tên gọi khác là Linh Thông cổ tự.
Bước qua cổng tam quan là lầu chuông và lầu trống nằm đối xứng hai bên, ở giữa là một hồ nước trong xanh. Ngày ngày, tiếng chuông được thỉnh lên hòa với không gian tĩnh mịch, tạo nên sự yên bình của ngôi chùa cổ.
Toàn cảnh chùa Nôm nhìn từ cổng tam quan.
Thuộc thiền phái Lâm Tế, chùa Nôm sở hữu 122 pho tượng phật lớn, nhỏ làm bằng đất. Các pho tượng ở đây được khắc họa với những cử chỉ, nét biểu cảm trên khuôn mặt vô cùng sinh động, bao gồm Tam Thánh, Tam Thế, A Di Đà, Bát bộ Kim cương, Thập bát La hán...
Chùa Nôm được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là "ngôi chùa có nhiều tượng đất cổ nhất Việt Nam".
Trải qua nhiều trận lụt lịch sử, nhiều nơi trong vùng bị lũ nhấn chìm, thậm chí nóc chùa bị nước cuốn trôi nhưng các pho tượng đất vẫn còn nguyên vẹn như thách thức sự hà khắc của thiên nhiên.
Vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc của chùa Nôm.
Du khách đến đây có thế thấy vẻ đẹp thanh bình, mộc mạc của chùa với lầu chuông, gác trống, những cây cổ thụ rợp bóng mát, với mái chùa in bóng xuống hồ nước long lanh.
Lưu giữ những tấm ảnh đẹp với áo dài truyền thống bên khung cảnh rêu phong... (Ảnh: Nguyễn Tới)
Trong vườn chùa, hàng trăm cây hoa mẫu đơn, hoa hồng, hoa đại… đang đến độ ra hoa, tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, đầy thơ mộng nhưng vẫn giữ nét cổ kính.
Hàng trăm cây hoa mẫu đơn đỏ đang nở rộ...
Ngoài chùa Nôm, du khách đến đây còn được đắm mình vào một quần thể di tích làng Nôm cổ kính bao gồm cổng làng Nôm, cầu Nôm, chợ Nôm, đình Tam Giang với kiến trúc bằng đá thời Hậu Lê...
Chợ cổ làng Nôm mang vẻ đẹp chợ quê của xứ Bắc đến nay vẫn còn hoạt động. (Ảnh: Minh Nguyễn)
Cầu Nôm được làm hoàn toàn bằng đá, đến nay đã hơn 200 năm tuổi. Mặt cầu rộng gần 2m, được tạo nên từ những phiến đá xanh lớn với nhiều nét chạm đục cầu kỳ và công phu. Hai bên thành cầu có các mỏm đá nhô ra được chạm trổ hoa văn rất tinh xảo.
Cầu Nôm được đánh giá là một công trình độc đáo còn nguyên vẹn chưa từng thấy ở bất cứ làng cổ nào của Đồng bằng sông Hồng.
Bước qua cánh cổng làng, có thể cảm nhận được không gian làng cổ vừa thân quen, vừa yên bình. Ở đây nổi tiếng với câu ca dao: "Đồng nát thì về cầu Nôm/ Con gái nỏ mồm về ở với cha".
Cổng làng uy nghi, dáng điệu hoài cổ...
Ngôi làng này lưu giữ được rất nhiều di tích cổ kính có niên đại ít nhất là 200 năm. Ở đây, không khó để thấy được những ngôi nhà cổ kính với mái ngói đơn sơ, một vẻ đẹp mà ít làng quê nào lưu giữ được.
Nhiều ngôi nhà cổ vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, quần thể làng Nôm vẫn tồn tại như một nhân chứng lịch sử sống động. Hàng năm, nhất là mỗi dịp lễ, Tết, hàng trăm du khách từ khắp nơi đã về đây để lễ chùa và vãn cảnh làng cổ. Chùa Nôm, làng Nôm là niềm tự hào của người dân Văn Lâm nói riêng và là di tích lịch sử văn hóa có giá trị lâu đời của tỉnh Hưng Yên nói chung.